Lượt xem: 325

Phát triển hợp tác xã, tận dụng cơ hội để xuất khẩu trái cây vào thị trường Châu Âu sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

Quốc hội Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), dự kiến tháng 8 năm 2020 Hiệp định có hiệu lực. Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

    Hiệp định EVFTA là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam vào thị trường Châu Âu, nhất là đối với loại trái cây nhiệt đới như xoài, bưởi, nhãn, chôm chôm, dừa tươi. Đây là thị trường tiềm năng, đa dạng về nhu cầu nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao.

    Muốn tận dụng cơ hội đưa trái cây Sóc Trăng vào Liên minh Châu Âu cần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Thời gian qua chuỗi giá trị, chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng trái cây xuất khẩu, với nòng cốt là hợp tác xã, đã được hình thành tại huyện Kế Sách đối với 2 loại trái cây là vú sữa và bưởi để xuất khẩu vào 2 thị trường có tiêu chuẩn rất khắt khe là Hoa Kỳ và Châu Âu. Trong thời gian tới, các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn trái tiếp tục được xây dựng tại các HTX thuộc thị xã Ngã Năm và các huyện Long Phú, Cù Lao Dung.

    Thực tế cho thấy, chỉ bằng con đường liên kết chặt chẽ mới có thể hoàn thiện được chuỗi giá trị từ tổ chức sản xuất, áp dụng quy trình canh tác, sơ chế, chế biến cho đến lưu thông, phân phối tới người tiêu dùng.


Chế biến nông sản xuất khẩu.

    Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì hàng rào thuế dần dần được dỡ bỏ nhưng hàng rào kỹ thuật thì được nâng lên ngày càng cao và khắt khe hơn. Do đó, cần thay đổi tư duy sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần và đạt giá trị cao thay vì số lượng nhiều.

    Để vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đủ điều kiện xuất sang Châu Âu thì sản xuất riêng lẻ, manh mún không thể thực hiện được. Sản xuất nông nghiệp riêng lẻ, quy mô nhỏ không đáp ứng được yêu cầu ổn định về số lượng, chất lượng, độ đồng đều về kích cỡ, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm; giá thành cao nên không thể cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

    Đối với cây ăn trái, các HTX là đầu mối để tổ chức sản xuất với sản lượng, chất lượng ổn định, kích cỡ, mẫu mã đồng nhất, sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Hợp tác xã nơi tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật gồm: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đăng ký mã số vùng trồng (mã code), giấy “thông hành” để xuất khẩu; xây dựng nhãn hiệu; đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, hợp đồng tiêu thụ…Trong đó, phát triển thương hiệu gồm sản phẩm ở cả 3 cấp: OCOP, tỉnh và quốc gia.

    Thị trường Châu Âu và Việt Nam có khoảng cách địa lý xa (trên dưới 10.000 km), do vậy thời gian vận chuyển kéo dài nếu chuyên chở bằng tàu thủy, vận chuyển bằng máy bay thì nhanh nhưng chi phí rất cao. Một số trái cây như bưởi, dừa tươi… bảo quản được lâu nên có thể chuyên chở bằng tàu để giảm chi phí; các loại trái cây khác như vú sữa, nhãn, xoài, chôm chôm phải vận chuyển bằng máy nên chi phí rất đắt. Do đó, bên cạnh xuất khẩu trái cây tươi thì cần phát triển các sản phẩm xuất khẩu chế biến có thể bảo quản dài ngày đối với trái cây như nước ép, sấy dẻo, sấy thăng hoa (sấy lạnh)… đối với loại trái cây không bảo quản được lâu.

    Nông dân liên kết lại với nhau trong HTX sẽ tạo ra tiền đề và sức mạnh để triển khai việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và ký kết hợp đồng tiêu thụ. Muốn thực hiện được các nội dung nêu trên, HTX phải hoạt động thực chất. Nhân lực quản lý, điều hành của HTX phải mạnh; phải có kiến thức về thị trường và kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng.

    Để tận dụng cơ hội đưa trái cây vào thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngay từ bây giờ, bên cạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu để xây dựng vùng nguyên liệu, thì cần nâng chất hoạt động của HTX, nhất là bồi dưỡng kiến thức thị trường, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc các HTX.

    Trong khi đó, các thành viên HTX cần được chuyển giao những kỹ thuật canh tác như: rải vụ để có sản lượng cung cấp thường xuyên cho khách hàng theo hợp đồng, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, cải thiện chất lượng trái cây theo nhu cầu người mua, chủ động điều khiển kích cỡ, màu sắc trái theo từng thị trường.

    Tin rằng, với những kinh nghiệm cung ứng trái cây xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu trong thời gian qua, sự chủ động hội nhập sẽ giúp trái cây Sóc Trăng tận dụng được cơ hội để xuất khẩu trái cây vào thị trường Châu Âu sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Vũ Bá Quan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 63
  • Hôm nay: 7198
  • Trong tuần: 77,905
  • Tất cả: 11,801,225